Ứng dụng phần mềm AVL trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trong năm 2021, Bộ môn Kỹ thuật Ô tô đã ký kết thỏa thuận tham gia chương trình hợp tác Trường Đại học cùng công ty AVL (Áo). Theo thỏa thuận, công ty AVL cung cấp bản quyền phần mềm mô phỏng AVL Boost và AVL Fire M nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kỹ thuật Ô tô.

AVL Boost là phần mềm mô phỏng đặc tính kỹ thuật của các quá trình trao đổi môi chất công tác, quá trình cháy, quá trình phun nhiên liệu…trong động cơ đốt trong. Phần mềm này hỗ trợ đắc lực cho quá trình thiết kế và tối ưu hóa cho nhiều loại động cơ đốt trong ở cấp độ chi tiết lẫn hệ thống. * 

Phần mềm AVL Fire M thực hiện mô phỏng 3D động lực học chất lỏng trong động cơ đốt trong với khả năng tính toán đa miền, từ dòng chảy rối đến quá trình truyền nhiệt. Khi kết hợp cùng với AVL Boost, người dùng có thể phân tích đặc tính dòng môi chất công tác dạng 3D và quá trình truyền nhiệt tại các đường ống, cổ góp và buồng cháy trong động cơ. **

Các nghiên cứu khoa học tiêu biểu của sinh viên kỹ thuật Ô tô có sử dụng phần mềm AVL bao gồm:

Nghiên cứu “Tối ưu hóa động cơ 1 xylanh thông qua phần mềm mô phỏng AVL Boost” khảo sát sự thay đổi hiệu năng (công suất, momen và suất tiêu hao nhiên liệu) của động cơ đánh lửa cưỡng bức sử dụng hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp theo tỉ số nén và góc đánh lửa sớm trên phần mềm AVL Boost. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định giá trị tối ưu của tỉ số nén và góc đánh lửa sớm để nâng cao hiệu năng động cơ. Các thông số hiệu năng được tính toán tại chế độ đặc tính ngoài và đặc tính bộ phận. Nghiên cứu có ý nghĩa giới thiệu ứng dụng của phần mềm AVL Boost trong việc khảo sát mô phỏng đặc tính động cơ đốt trong [1].

Nghiên cứu “Nghiên cứu tối ưu hóa động cơ Diesel lắp vào bơm nước của hệ thống PCCC tại các tòa chung cư, căn hộ” sử dụng phần mềm AVL Boost để khảo sát đặc tính và tối ưu hóa việc lựa chọn động cơ Diesel trong hệ thống chữa cháy tại các chưng cư và cao ốc. Các thông số tính toán bao gồm suất tiêu hao nhiên liệu, mức phát thải, chi phí đầu tư và chi phí vận hành. Nghiên cứu có giá trị tham khảo cho chủ đầu tư trong quá trình chọn lựa loại động cơ Diesel đáp ứng yêu cầu của hệ thống chữa cháy [2].

Hình 1. Kết quả mô phỏng đặc tính động cơ xe Honda Wave 110cc [1]

 

Hình 2. Đặc tính momen ở chế độ toàn tải trên động cơ 6DSP-125 [2]

 

Hình 3. Suất tiêu hao nhiên liệu ở chế độ toàn tải trên động cơ 6DSP-125 [2]

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

*https://www.avl.com/boost

**https://www.avl.com/fire-m

 

[1] Kiều Hải Nam, Lê Ngọc Anh, Lưu Xuân Tài. “Tối ưu hóa động cơ 1 xylanh thông qua phần mềm mô phỏng AVL Boost”, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ cho Sinh viên OISP lần 10, Trường ĐH Bách Khoa-ĐHQG TP.HCM, Việt Nam, 2022, trang 86 (ISBN: 978-604-73-9133-2).  

[2] Ngô Minh Tân, Nguyễn Nhật Bình, Lê Khánh Dũ, Giang Phong, Đỗ Hoàng Sơn, Hồng Đức Thông. “Nghiên cứu tối ưu hóa động cơ Diesel lắp vào bơm nước của hệ thống PCCC tại các tòa chung cư, căn hộ”, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ cho Sinh viên OISP lần 10, Trường ĐH Bách Khoa-ĐHQG TP.HCM, Việt Nam, 2022, trang 88 (ISBN: 978-604-73-9133-2).